Quân triều đình thắng thế Sự_biến_Phụng_Thiên

Sơn Nam Đông Đạo

Trong số bốn trấn làm loạn thì Sơn Nam Đông Đạo có thế lực yếu nhất, lại nằm giữa các trấn còn trung thành với triều đình. Vua Đức Tông cử Tiết độ sứ Hoài Tây Lý Hi Liệt mang quân đánh Lương Sùng Nghĩa. Lương Sùng Nghĩa cử quân tấn công Giang Lăng, mở đường tiến xuống phía nam, nhưng bị Lý Hi Liệt đánh bại một trận lớn ở Tứ Vọng (Tương Phàn hiện nay), phải lui về Tương châu, tập hợp quân lính ở hai châu Tương, Đặng cùng chống lại sự tấn công của triều đình. Lý Hi Liệt tiến quân về phía tây bắc, đến được Tương châu. Lương Sùng Nghĩa cho quân đánh úp trại của Lý Hi Liệt tại Lâm Hán (gần Tương châu), giết được vài trăm sĩ tốt. Lý Hi Liệt cử quân cứu viện. Các tướng Sơn Nam là Địch Huy và Đỗ Thiếu Thành bị tấn công và đánh bại quân Sơn Nam tại Man Thủy[11] và Sơ Khẩu (thuộc Tương châu), sau đó đầu hàng Lý Hi Liệt. Ông chia quân cho họ, giao nhiệm vụ tiến công vào Tương Dương (trị sở của Tương châu). Lương Sùng Nghĩa ra trận đốc thúc quân sĩ chiến đấu, nhưng chẳng ai nghe lệnh, quân sĩ phá cửa thành bỏ chạy. Sùng Nghĩa tuyệt vọng liền cùng thê thiếp và các con nhảy xuống giếng, tự tử[12]. Lương Sùng Nghĩa bị diệt, nhưng kể từ đó Lý Hi Liệt lại tỏ ra kiêu ngạo vì lập công, nảy ý phản triều đình.

Thành Đức

Đối với các trấn ở Hà Bắc, vua Đức Tông sai quyền Tiết độ sứ Lư Long Chu Thao đem quân tấn công Thành Đức. Thao dẫn quân của mình tiến đánh Dịch châu, cử sứ giả Thái Hùng đến thuyết phục Thứ sử Dịch châu Trương Hiếu Thành đầu hàng triều đình, vì Ngụy, Triệu không bao lâu sẽ bị dẹp yên. Trương Hiếu Trung chấp nhận hàng phục.

Quân Lư Long đánh bại quân Thành Đức nhiều trận, đến mùa xuân năm 782 thì hạ được Thúc Lộc (thuộc Thạch Gia Trang) rồi đánh sang Thâm châu, Lý Duy Nhạc vô cùng sợ hãi. Chưởng thư ký Thiệu Chân thuyết phục Duy Nhạc giết các tướng khuyên mình làm phản rồi quay về với triều đình. Tướng Mạnh Hựu do Ngụy Bác cử sang hỗ trợ Thành Đức, biết chuyện, mật báo với Điền Duyệt. Duyệt giận lắm, sai nha quan trách móc Duy Nhạc[13].

Lý Duy Nhạc theo lời phán quan Tất Hoa, cho chém Thiệu Chân, gửi đầu đến cho Điền Duyệt, rồi cử 1 vạn quân hợp với Mạnh Hựu bao vây Thúc Lộc. Quân của Chu Thao và Trương Hiếu Trung liên thủ đánh bại quân Thành Đức ở thành Thúc Lộc. Lý Duy Nhạc đại bại, đốt trại bỏ trốn. Trận thua này là do bộ tướng Vương Vũ Tuấn dưới quyền Lý Duy Nhạc do lo sợ rằng nếu mình thắng trận thì khi trở về sẽ bị Lý Duy Nhạc hại chết, nên cố ý đánh thua. Về phần Thao muốn nhân đà thắng lợi, tiến thẳng vào Hằng châu, trị sở của Thành Đức, nhưng Trương Hiếu Trung cho rằng nếu mình tấn công gấp thì Lý Duy Nhạc, Vương Vũ Tuấn sẽ liên thủ với nhau, chi bằng tạm lui để nội bộ sinh bất hòa, Vương Vũ Tuấn sẽ sớm giết Lý Duy Nhạc[12].

Sau trận thua ở Thúc Lộc, Lý Duy Nhạc rất nghi ngờ Vương Vũ Tuấn, nhất là khi bộ tướng Khang Nhật Tri đem Triệu châu đầu hàng triều đình. Bộ hạ dưới trướng cố sức khuyên can. Duy Nhạc bèn sai Vệ Thường Ninh giúp Vương Vũ Tuấn tấn công nhằm chiếm lại Triệu châu, còn cho con Vũ Tuấn là Vương Sĩ Chân lĩnh binh bảo vệ phủ của mình. Khi Vũ Tuấn rời khỏi Hằng châu đã bàn với Thường Ninh giết Lý Duy Nhạc mà đầu hàng triều đình, vì vua Đức Tông đã có chiếu thưởng hậu cho người nào giết được Lý Duy Nhạc. Khi đó Khang Nhật Tri cũng gửi thư đề nghị Vũ Tuấn đầu hàng, Vũ Tuấn nghe theo.

Lúc Lý Duy Nhạc sai sứ Tạ Tung đến Triệu châu, Vũ Tuấn nhờ Tung báo việc với Vương Sĩ Chân; sau đó Vũ Tuấn đưa quân trở lại Hằng châu. Tạ Tung và Vương Sĩ Chân giả lệnh Duy Nhạc, mở cửa thành cho Vũ Tuấn tiến vào. Vũ Tuấn dẫn theo 100 quân kị tiến vào phủ môn, Sĩ Chân làm nội ứng bên trong, giết hơn 10 người và tóm được Lý Duy Nhạc cùng các tướng Trịnh Sân, Tất Hoa, Vương Tha Nô, Trịnh Hoa (cha vợ Duy Nhạc). Vũ Tuấn giết bọn tướng đó đi, muốn giải Lý Duy Nhạc về Trường An nộp cho triều đình. Vệ Thường Ninh cho rằng nếu để Duy Nhạc về triều thì Duy Nhạc sẽ đổ tội cho Vũ Tuấn. Vì vậy Vũ Tuấn cho siết cổ giết chết Duy Nhạc và nộp đầu về kinh sư. Họ Lý chấm dứt vai trò của mình trong trấn Thành Đức sau hơn 20 năm[13].

Ngụy Bác

Lúc này ở Ngụy châu, Điền Duyệt phái Mạnh Hựu dẫn 5000 quân giúp đỡ Duy Nhạc phòng thủ ở phía bắc còn bản thân mình đem quân tấn công vào trấn Chiêu Nghĩa[14], lúc này nằm trong sự quản lý của Lý Bão Chân, tấn công hai châu Hình[15], Từ[16]. Quân Ngụy Bác vây hãm Lâm Minh và tướng dưới quyền Khang Âm bao vây Hình châu, tướng Dương Triều Quang được giao nhiệm vụ ngăn chặn sự chi viện từ trị sở Chiêu Nghĩa ở Lộ châu. Mùa thu năm đó, Điền Duyệt vẫn chưa hạ được thành. Các tướng triều đình là Tiết độ sứ Hà Đông[17] Mã Toại, Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa Lý Bảo Chân và tướng chỉ huy quân Thần Sách Lý Thịnh đem quân giải vây cho ha châu, giết Dương Triều Quang và đánh bại quân Điền Duyệt một trận lớn[8]. Hơn 10.000 quân Ngụy bị giết, Điền Duyệt tháo chạy về Ngụy châu, gửi sứ đến Thành Đức, Tri Thanh yêu cầu cứu viện. Mùa xuân năm 782, liên quân Ngụy - Tề gồm 30.000 người giao chiến với quân triều đình do Lý Thịnh, Lý Bão Chân và Tiết độ sứ Hà Dương[18] Lý Giao chỉ huy ở Hoàn Thủy và bị đánh cho tan tác; 20.000 quân bị giết.

Sang năm 782, tướng nhà Đường là Mã Toại giữ chức Tiết độ sứ Hà Đông cùng Lý Bão Chân giữ chức Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa và Thần sách tướng Lý Thịnh đánh bại được Điền Duyệt, khiến Điền Duyệt phải bỏ chạy về Ngụy châu cố thủ. Lúc này Ngụy châu gần như hoang tàn, chỉ còn vài nghìn binh sĩ, trong thành nhà nhà tổ chức tang lễ cho người chết, đâu đâu cũng tràn nước mắt. Điền Duyệt tìm cách khơi dậy lòng của binh sĩ bằng việc giả cách muốn tự tử[13]. Tướng sĩ dưới quyền đều rất cảm động, không nỡ làm phản và tình nguyện trung thành với ông. Duyệt cảm ơn của bọn họ và kết làm anh em, thề cùng sinh tử. Sau đó ông cho lấy vàng, bạc trong kho phân phát cho tướng sĩ, nên lòng quân được củng cố. Lại tạ lỗi với Hình Tào Tuấn, mời về tham gia việc phòng thủ. Trong lúc đó, tướng ở Bân châu và Minh châu về hàng triều đình. Tuy nhiên khi quân triều đình kéo tới Ngụy châu, Điền Duyệt phòng thủ rất vững chắc khiến quan quân không thể công phá được. Sau đó Lý Bão ChânMã Toại bất hòa nên cuối cùng đều rút quân khỏi Ngụy châu. Vào thời điểm mà các trấn sắp bị dẹp tan, người người cho rằng loạn lạc sắp dẹp yên, quốc gia sẽ thống nhất[12].

Tri Thanh

Ở mặt trận Tri Thanh, một số tướng dưới quyền Lý Nạp gồm Lý Vị ở Từ châu[19], cùng các tướng ở Hải châu và Nghi châu đều đem châu quận hàng triều đình. Lý Nạp hợp quân với Điền Duyệt tấn công Từ châu nhưng bị Tiết độ sứ Tuyên Vũ Lưu Hiệp đánh bại. Tướng nắm giữ quân Thần Sách là Lý Thịnh, cùng Lý Trừng ở Vĩnh Bình, Đường Triều Thần ở Sóc Phương[17] cùng đem quân phản công Lý Nạp, Nạp phải lui quân khỏi Từ châu, chạy về Bộc châu[20]. Hai châu Hải, Mật cũng bị quân triều đình chiếm lấy. Mùa xuân năm 782, Lưu Hiệp phá thành ngoài Bộc Dương. Thành trung lương tận, quân sĩ tử thương nhiều, Lý Nạp hoảng sợ phải lên thành khóc lóc xin được hàng phục. Ông cử phán quan Phòng Thuyết hộ tống em trai mình là Lý Kinh và con trai Lý Thành Vụ thay mặt mình vào triều tạ tội. Tuy nhiên hoạn quan Tống Phụng Triều cho rằng Lý Nạp không còn chống cự được bao lâu, khuyên Đức Tông đừng nên nhận hàng. Do đó Đức Tông sai bắt giam Phòng Thuyết, Lý Thành Vụ và Lý Kinh, tiếp tục đánh Bộc châu. Lý Nạp bỏ khỏi Bộc châu, chạy đến Vận châu và tiếp tục liên kết với Điền Duyệt phản kháng nhà Đường. Triều đình lúc đó bổ nhiệm Lý Hi Liệt làm Tiết độ sứ mới ở Tri Thanh, nhưng do Lý Hi Liệt đã thông mưu từ trước với Lý Nạp nên không có hành động quân sự nào chống lại ông. Chu Thao nhân việc Sơn Đông đại loạn mà chiếm được hai châu Đức, Lệ từ Tri Thanh.